Sáng 10/9 tại Hà Nội, Báo Nhân dân phối hợp với Bộ VHTTDL tổ chức tọa đàm trực tuyến “Việt Nam – điểm đến mới của điện ảnh thế giới”.
“Người tình” (L’Amant) – bộ phim dựa trên tiểu thuyết cùng tên của đạo diễn Jean-Jacques Annaud, với sự tham gia diễn xuất của các ngôi sao Jane March, Lương Gia Huy và Lisa Faulkner – khởi quay tại Việt Nam vào năm 1986, hoàn thành năm 1990 và được ra mắt chính thức vào năm 1992.
“Đông Dương” (Indochine), với siêu sao Catherine Deneuve – “người đàn bà đẹp của nước Pháp” – đóng vai chính, đã quay suốt 3 tháng ở vịnh Hạ Long. Đoàn làm phim đã dựng hẳn 1 phim trường tại đây vào năm 1991.
“Kong: Skull Island” (Kong: Đảo đầu lâu) có kinh phí sản xuất khoảng 190 triệu USD đã mang cả đoàn phim gồm các siêu sao đến Ninh Bình vào 2017…
Đó có thể là những điển hình minh chứng cho việc Việt Nam là “điểm đến của điện ảnh thế giới”. Tuy nhiên, từng đó đã xứng với tiềm năng cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp; văn hoá đặc sắc, đa dạng; ẩm thực phong phú, độc đáo; con người hiền hoà, thân thiện của chúng ta hay chưa?
Chính bởi thế, sáng 10/9, tại Hà Nội, để làm rõ tiềm năng, thực trạng hợp tác phát triển du lịch – điện ảnh của Việt Nam hiện nay; đồng thời đề xuất các giải pháp để phát triển du lịch nói chung, hợp tác du lịch- điện ảnh nói riêng, tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế tới Việt Nam; khẳng định vai trò của ngành Du lịch và ngành Điện ảnh đối với nền kinh tế đất nước, Báo Nhân dân phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Toạ đàm trực tuyến với chủ đề “Việt Nam – điểm đến mới của điện ảnh thế giới”.
Phát biểu tại toạ đàm, Tổng Biên tập Báo Nhân dân Lê Quốc Minh khẳng định, tọa đàm “Việt Nam – điểm đến mới của điện ảnh thế giới” mong muốn lắng nghe, lan tỏa những ý kiến, chia sẻ của các chuyên gia, nhà quản lý… về những kiến thức, kinh nghiệm, đưa ra những đề xuất, giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch từ một khía cạnh mới đầy tiềm năng: Du lịch thông qua điện ảnh, văn hóa.
Khẳng định du lịch là điểm sáng trong bức tranh nền kinh tế đất nước, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, trong hành trình quảng bá, xúc tiến du lịch, quản trị điểm đến, tạo ra sản phẩm mới, ngành du lịch Việt Nam đã chủ động liên kết với các lĩnh vực văn hoá; xác định sản phẩm du lịch phải mang đậm sắc màu văn hoá. Trong đó, điện ảnh và du lịch là hai lĩnh vực thế mạnh, cùng cộng hưởng vì mục tiêu phát triển chung.
Bộ trưởng dẫn chứng từ hiệu ứng của hai bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” và “Kong: Đảo đầu lâu”. Những hình ảnh tuyệt đẹp trong hai tác phẩm điện ảnh được khai thác từ bối cảnh của Phú Yên, Ninh Bình, Quảng Bình, Quảng Ninh đã tạo nên sức hút khó cưỡng. Nhiều địa danh tiếp tục được khai thác, trở thành điểm đến hấp dẫn khi phim được phát hành. “Điện ảnh liên kết với du lịch là cùng nhau vì sự phát triển chung”, Bộ trưởng khẳng định.
Năm 2023, Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Khánh Hoà đã tổ chức Chương trình liên kết phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam qua điện ảnh. Thông qua chương trình, các nhà làm phim đã ký kết hợp tác với tỉnh Khánh Hoà để làm phim, quảng bá tiềm năng, thế mạnh du lịch của Nha Trang, đưa nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn. Năm 2024, Bộ VHTTDL tiếp tục phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức Chương trình Du lịch, Điện ảnh và Thể thao – Tự hào bản sắc Việt. Nhiều biên bản ghi nhớ, hợp tác được ký kết đã mở ra những tiềm năng trong liên kết du lịch – điện ảnh, tạo hiệu ứng và sức lan tỏa rộng lớn.
“Chỉ cần một bộ phim nước ngoài quay tại Việt Nam đã có đóng góp rất lớn vào việc quảng bá hình ảnh vùng đất, văn hoá, con người. Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá sắp được Quốc hội thông qua có các dự án về trường quay hiện đại, đẳng cấp khu vực và quốc tế, đây cũng là động lực thúc đẩy để Việt Nam tăng cường hợp tác với các nhà làm phim quốc tế trong sản xuất phim tại Việt Nam…” – theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng.
Được biết, nhằm quảng bá điểm đến du lịch, tiềm năng bối cảnh quay phim, thu hút các hãng phim Hollywood – kinh đô điện ảnh thế giới – đến Việt Nam thực hiện quay các bộ phim có sức hút lớn, thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, từ ngày 21-28/9, Bộ VHTTDL sẽ tổ chức Chương trình “Xúc tiến Du lịch – Điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ” với chủ đề “Việt Nam – Điểm đến mới của Điện ảnh thế giới”.
Đây là chương trình xúc tiến, quảng bá có tính chất điểm nhấn trong năm 2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, đại diện một số tỉnh/ thành phố, đại diện các Sở Du lịch, Sở Văn hóa- Thể thao, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch địa phương. Đặc biệt, các doanh nghiệp du lịch, doanh nghiệp điện ảnh, diễn viên, một số KOLs… sẽ là chủ thể chính của chương trình quảng bá, xúc tiến này.
Cũng tại toạ đàm, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong cho rằng, Việt Nam có thế mạnh nền văn hóa phong phú, đa dạng, bối cảnh thiên nhiên, tiềm năng văn hóa, con người phong phú, khác biệt. Sự kết hợp giữa bối cảnh Việt Nam, con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam với tinh hoa điện ảnh thế giới chắc chắn sẽ tạo nên những giá trị thời gian tới.
Cũng theo Thứ trưởng, Bộ VHTTDL trong thời gian qua đã có nhiều chủ trương để khởi xướng, thức dậy, tác động và tổ chức các hoạt động tạo sự kết nối giữa điện ảnh Hoa Kỳ với điện ảnh, du lịch Việt Nam. Chương trình “Xúc tiến Du lịch – Điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ” dự kiến sẽ có sự tham gia của nhiều đạo diễn nổi tiếng, các hãng phim, công ty điện ảnh và những diễn viên có tầm ảnh hưởng của Hollywood. Đây là cơ hội để chúng ta giới thiệu về hình ảnh đất nước, con người, bối cảnh làm phim, du lịch, hợp tác… Đặc biệt, chương trình lần này sẽ tiến hành quảng bá gắn liền với các sản phẩm du lịch, văn hóa, thương hiệu quốc gia.
Là khách mời tại toạ đàm, TS. Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam cho biết: Trong phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã đề cập đến hai bộ phim như hai hình mẫu trong kết hợp điện ảnh – du lịch là “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” sản xuất năm 2015 và “Kong: Skull Island” của Hollywood làm tại Việt Nam năm 2017. “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” cho đến thời điểm này chưa có kỷ lục nào vượt qua bộ phim trong danh sách các phim Nhà nước đặt hàng. Phú Yên với những địa danh đẹp, là bối cảnh trong phim ngay sau đó cũng đã đón những đợt khách bùng nổ.
“Tôi thấy chúng ta nói rất nhiều về việc đưa hình ảnh đẹp, phải làm du lịch kết hợp với điện ảnh, nhưng thiết nghĩ khi làm một bộ phim, chúng ta không nên du lịch hóa, tìm cách để đưa thông điệp du lịch vào tác phẩm. Tác phẩm điện ảnh trước tiên phải có giá trị thì mới có sức lan tỏa, từ đó mới quảng bá được điểm đến. Nếu du lịch hóa một bộ phim thì vô hình trung, phim sẽ không thành công và cũng không quảng bá được du lịch”, bà Ngô Phương Lan nhấn mạnh.
TS Ngô Phương Lan có nhiều năm giữ vai trò quản lý trong lĩnh vực điện ảnh và vẫn tiếp tục theo đuổi đam mê với điện ảnh cả sau khi nghỉ công tác. Bà thành lập Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam năm 2019 và tổ chức thành công hai kỳ Liên hoan phim Châu Á – Đà Nẵng vào 2023 và 2024. TS Ngô Phương Lan cho rằng, để thu hút các đoàn phim quốc tế cần phải rõ ràng ưu đãi gì cho họ. Thực tế, nhiều đoàn phim quốc tế đã đến Việt Nam, nhưng sau đó, nhiều khách hàng đã chạy sang quốc gia khác ở Đông Nam Á. Các dự án phim quốc tế quay ở Việt Nam đến nay chỉ đếm trên đầu ngón tay.
“Tôi sợ cái gọi là tiềm năng, vì nói tiềm năng thì 30 năm sẽ giậm chân tại chỗ. Từ năm 2017, Cục Điện ảnh đã có gian hàng quảng bá Việt Nam ở Cannes được thực hiện từ nguồn xã hội hoá… Cho tới nay, tôi vẫn kiên trì trong việc quảng bá cho điện ảnh Việt Nam, điểm đến Việt Nam ở nhiều LHP quốc tế. Từ khi thành lập vào 2019, Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam tiếp tục tham gia quảng bá ở nhiều sự kiện như: LHP Quốc tế Busan, LHP Quốc tế Tokyo…” – bà Lan bày tỏ thêm.
Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết, thời gian qua, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã tham mưu lãnh đạo Bộ VHTTDL phát triển thêm các hướng đi mới nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của các ngành, trong đó có phát triển du lịch kết hợp với điện ảnh. “Ở những quốc gia có nền công nghiệp điện ảnh phát triển như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Pháp, Hàn Quốc, Anh, Italia…, tác phẩm điện ảnh có sức lan tỏa rất lớn. Những bộ phim “bom tấn” Hollywood có khả năng tiếp cận khán giả trên toàn cầu và doanh thu lên tới hàng tỉ USD.”, ông Khánh cho biết.
Theo Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia, tài nguyên thiên nhiên, sinh thái, văn hóa của Việt Nam chính là nguồn tài nguyên để phát triển du lịch kết hợp với điện ảnh. Sự thành công của bộ phim “Kong: Skull Island” với những cảnh quay hoành tráng tại Hạ Long, Quảng Bình, Ninh Bình cho thấy Việt Nam hoàn toàn có khả năng trở thành phim trường của những bộ phim “bom tấn” của Hollywood.
Thực tế, rõ ràng là Hàn Quốc, Trung Quốc… đã thu hút lượng lớn du khách Việt thông qua các tác phẩm điện ảnh, truyền hình, thậm chí còn biến một điểm đến thành “trend”. Hy vọng, với sự đầu tư và nỗ lực, Bộ VHTTDL sẽ mang được những “bom tấn” của điện ảnh thế giới tới phim trường Việt Nam.